Ngành Quản lý xây dựng đang là ngành học được đánh giá cao và thu hút nhiều bạn trẻ theo học. Đây cũng là ngành có nhu cầu nhân lực lớn, đem đến nhiều cơ hội rộng mở cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Để giúp bạn tìm hiểu về ngành học này, bài viết xin chia sẻ những thông tin cần biết về ngành Quản lý xây dựng.
1. Tìm hiểu ngành Quản lý xây dựng
Hiểu một cách đơn giản, ngành Quản lý xây dựng là ngành trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hoặc thực hành tư vấn về lập và đánh giá dự án, lập hồ sơ thiết kế tổ chức thi công, tổ chức các hoạt động trên từng giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án như đấu thầu, triển khai thiết kế, thi công, bàn giao nghiệm thu và thanh quyết toán công trình. Có thể nói để dễ hình dung nhất, quản lý xây dựng là công việc “chạy vòng ngoài” trong việc tìm kiếm các dự án, lập hồ sơ,…giúp các kỹ sư thi công, thiết kế, tư vấn giám sát thực hiện tốt vai trò của mình. Ở bất kỳ công trình nào, bên cạnh đội ngũ kỹ sư thi công và tư vấn giám sát thì chắc chắn phải có kỹ sư quản lý xây dựng.
Theo học ngành Quản lý xây dựng, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu về dự án và quản lý dự án đầu tư xây dựng trên từng phương diện cụ thể: quản lý tài chính, quản lý nguồn lực, quản lý tiến độ, quản lý chi phí và chất lượng dự án; kiến thức về định mức và tổ chức lao động, tổ chức quản lý và giao khoán sản xuất, giám sát và nghiệm thu công trình. Sinh viên có năng lực phân tích, tổng hợp để quản lý công tác thi công trên công trường xây dựng; xây dựng các kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng.
Sinh viên Ngành Quản lý xây dựng được thực hành bám sát thực tiễn
2. Cơ hội việc làm ngành Quản lý xây dựng
Theo thống kê được công bố năm 2019 của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, hàng năm Việt Nam giành tới 30% – 40% GDP của cả nước cho đầu tư xây dựng. Mỗi năm, dự báo nhu cầu nhân lực ngành xây dựng tăng thêm 400.000 – 500.000 người, đến năm 2030 sẽ cần tới 12 – 13 triệu người (tức là trong 10 năm nữa, chúng ta cần gấp đôi nhân lực xây dựng hiện nay);
Cũng theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, hiện nay, cả nước có hơn 7 triệu lao động đang làm việc trong ngành Xây dựng, con số này được cho là không đủ để đáp ứng nhu cầu nhân lực thực tế;
Như vậy, từ dữ liệu nêu trên, có thể dự báo: Cơ hội việc làm trong ngành xây dựng trong thời gian tới là rất lớn,ở tất cả các vị trí khác nhau, từ lao động phổ thông đến vị trí đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, đào tạo chuyên nghiệp,…
3. Ngành Quản lý xây dựng ra trường sẽ làm gì?
- Làm các công việc quản lý: quản lý dự án, quản lý kỹ thuật – công nghệ, quản lý tài chính, quản lý chất lượng… trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản tại các cơ sở, ban, ngành , Ngân hàng, Kho bạc, các Công ty – đơn vị (Chủ đầu tư) đang thực hiện việc đầu tư và quản lý các công trình xây dựng.
- Chuyên viên tổ chức quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng trong các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng;
- Kỹ sư lập và thẩm định dự án đầu tư, quản lý các dự án đầu tư xây dựng;
- Giám sát và nghiệm thu công trình về mặt tài chính, định mức và tổ chức lao động;
- Giám đốc dự án, giám đốc các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng;
- Làm nghiên cứu ở các viện nghiên cứu về kinh tế và quản lý xây dựng;
- Làm quản lý doanh nghiệp, đấu thầu và quản lý công trường ở các doanh nghiệp xây dựng, các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản;
- Làm tư vấn lập và phân tích dự án đầu tư, lập và thẩm tra dự toán, cung cấp dịch vụ tư vấn đấu thầu ở các công ty tư vấn đầu tư xây dựng.
4. Mức lương của ngành Quản lý xây dựng
Ngành Quản lý xây dựng có mức lương khá cạnh tranh, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, địa điểm làm việc cũng như năng lực chuyên môn. Mức lương phổ biến của ngành dao động trong khoảng 12 – 15 triệu/ tháng. Nếu là giám đốc dự án thì mức lương tối thiểu là 50 triệu/tháng.
5. Tại sao nên chọn học ngành Quản lý xây dựng tại Phân hiệu trường Đại học Thủy lợi?
– Học phí thấp: chỉ từ 12-14 triệu/ năm
– Cam kết 100% sinh viên được giới thiệu việc làm ngay sau khi tốt nghiệp
– Chương trình đào tạo thực tế: thiên về thực hành (thời gian thực hành lớn hơn thời gian học lý thuyết);
– Quá trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tế: từ chương trình đào tạo, nội dung, phương pháp, thời gian giảng dạy, địa điểm thực tập,… được liên kết chặt chẽ với khối doanh nghiệp. Điều này giúp việc đào tạo theo sát được với nhu cầu thực tế, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp…;
– Đội ngũ giáo viên có năng lực tốt, giàu kinh nghiệm thực tế, nhiệt huyết,…